Chú Giải Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXVI Mùa Thường Niên (Lc 10,17-24) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BẢY TUẦN XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 10,17-24

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: G 42, 1-3.5-6.12-17

Ông Gióp đáp lại lời Giavê rằng: “ Con biết Người là Đấng toàn năng”.

Trả lời cho Thiên Chúa. Thiên Chúa phán: con người lắng nghe và trả lời cho Thiên Chúa.

Đó là một trong các câu định nghĩa hoàn hảo nhất của “Đức tin”: lời đáp trả của con người với Thiên Chúa.

Phải giữ một thái độ linh hoạt và tự do trước nhan Thiên Chúa. Đây cũng là một trong các định nghĩa hoàn hảo của “ lời cầu nguyện”: Đối thoại với Thiên Chúa.

Nghe Thiên Chúa nói. Nói với Thiên Chúa.

“Đức tin”, cũng như lời “cầu nguyện" cả hai đều là :

Một là vì rất riêng tư, chủ quan... bởi vì chính tôi phải tin và cầu nguyện, đó là kinh nghiệm bản thân, không người nào khác có thể thay thế được... và tôi tương quan với Thiên Chúa bằng tình trạng, tính tình và trách nhiệm của tôi.

Từ những cảm nghiệm đau khổ của mình, ông Gióp đáp lại với Thiên Chúa. Phần tôi, tôi có trả lời cho Chúa bằng trọn cuộc sống tôi không ? Một cái gì rất “phó thác", rất khách quan bởi vì ta đang đáp lời với chính Thiên Chúa Toàn Năng. "Con biết Người là Đấng Toàn Năng". Đó là điều hoàn toàn ở ngoài ông Gióp mà ông đã đụng chạm tới, và đau khổ đã giúp ông phát giác ra : Đau khổ luôn khác với điều ta trông đợi... nó giết đi điều nào đó trong ta để đặt vào đó cái gì không phải của ta... Như thế đau khổ như là một hạt giống trong ta... nó có thể là con đường dẫn đến tình yêu thiết thực vì nó dứt ta ra khỏi bản thân để trao tặng ta cho người khác và khuyến khích ta hy sinh cho cha nhân...". Các lời ấy là của M. Blondel, một trong các triết gia lỗi lạc thời đại chúng ta.

Nào tôi có chấp nhận dứt tôi ra khỏi mình để tôi mở tới những gì mà tôi không đoán trước được không?

Điều Người cưu mang, Người có thể thực hiện được. Có phải dại dột lắm chăng khi làm Người rối loạn tư tưởng? Tại con đã nghe nói về Người, bây giờ chính con đã nhìn thấy Người tận mắt.

Ở đây ta thấy ông Gióp thú nhận mình trước kia đã gặp Thiên Chúa cách sai lạc. Chính sự đau khổ đã dồn ông vào chân tướng, và làm kẻ “dẫn đường" cho ông... và cũng nói được nó để rèn luyện ông, để đặt vấn đề và giúp ông tìm gặp Thiên Chúa cách sống động: Giờ đây, con thấy Người tận mắt".

Trong thực tế, nhiều người cũng gặp trường hợp như thế. Cảnh sống sung túc và hạnh phúc là dịp tốt để tìm gặp Thiên Chúa, nhưng thường thì cảnh hạnh phúc này, than ôi, lại đưa đến tự mãn với chính mình ! Phúc thay các người nghèo khó, phúc thay những kẻ ưu phiền, phúc thay những người bị bách hại bởi vì họ biết mở ra một viễn tượng hiện hữu khác, Nước Trời là của họ !

Bấy giờ Giavê chúc lành cho Gióp. Và ban lại cho ông đầy của cải.

Sau khi đã suy nghĩ kỹ lưỡng, trong phần cuối chúng ta sẽ nhận ra câu truyện của miền cận Đông : Vào thời kỳ đó, cơ bản, chắc chắn người ta đã không sẵn sàng chấp nhận luân thuyết của ông Gióp. Người ta cần phải yên tâm một cách cụ thể…

Thế mà, cảnh bi kịch lại kết thúc tốt đẹp, nói được rằng nó kết thúc rất khả quan.

Mà cũng đáng tiếc. Vì chúng ta biết rằng mọi vấn đề được nêu lên ở trần gian này, đều không được giải quyết cách trọn vẹn. Biết bao người đau khổ không bao giờ được chữa lành, cảnh tang sầu vô phương cứu vãn ! Và trước mắt vẫn còn biết bao thất bại. Đức Kitô sẽ đến chia sẻ nỗi đau thương của ta (không cất khỏi) bằng cách mang lấy nó trên mình và biến đổi nó từ bên trong.

Bài đọc II: Br 4,5-12.27-29

Hỡi dân Thiên Chúa hãy vững lòng.

Cùng vị sứ ngôn, hôm qua, đã làm cho các cộng đoàn Do Thái phân tán giữa các lương dân, ý thức về sự thông phần của họ vào tội lỗi thế gian, nay gửi tới họ một sứ điệp hy vọng.

Các ngươi bị bán cho dân ngoại không phải để bị tiêu diệt, nhưng bởi các người đã trêu chọc cơn thịnh nộ Thiên Chúa, nên các người bị trao phó cho quân thù. Vì chưng, các người đã khiêu khích Đấng đã tạo thành các ngươi.

Người ta hẳn mắc lỗi khi chạm đến thuyết nhân hình muốn gán cho Thiên Chúa những tình cảm nhân loại. Làm sao có thể nói về Thiên Chúa một cách khác với từ ngữ và kinh nghiệm thông dụng của chúng ta được.

Ở đây chính là kinh nghiệm của một người cha hay một người mẹ phạt con chỉ vì yêu chúng chứ không để tiêu hủy chúng, mà để đưa chúng về hạnh phúc chân thực.

Các người đã bỏ quên Thiên Chúa, Đấng đã nuôi dưỡng các người. Các người đã làm phiền lòng vú nuôi các ngươi là Giênlsalem.

Phải, đây đúng là kinh nghiệm mẫu tử.

Thứ ngôn ngữ này đã loan báo điều mà Tin Mừng sẽ nói với chúng ta bằng những từ không thể nào quên: Thiên Chúa khổ vì tội chúng ta còn hơn cả chúng ta nữa.

Ta đã vui mừng nuôi dưỡng chúng, nhưng Ta đã khóc lóc phiền muộn tiễn chúng ra đi. Không một ai hân hoan cùng Ta là kẻ góa bụa và âu sầu : tại tội lỗi con cái Ta mà Ta đã bị nhiều người lìa bỏ, và chúng đã lánh xa lề luật Thiên Chúa.

Chính trong "nước mắt và tang chế" mà người cha của đứa con hoang đàng sẽ lùn con mình "ra đi".

Một thuyết nhân hình cảm động khác: Tội lỗi tôi làm Chúa phải "khác"? Và Giêrusalem, được nhân cách hóa như một góa bụa đau khổ, là hình ảnh sự đau khổ của Chúa. Những hình ảnh cụ thể này nói với chúng ta nhiều hơn mọi khảo luận thần học. Nên chiêm ngắm những so sánh tươi đẹp nói về Thiên Chúa này : Một người cha mà con cái làm cho ông phải khổ... một người mẹ bị con cái bỏ rơi...

Các con ơi, hãy vững lòng, hãy kêu cầu cùng Chúa: Vì Đấng đã dẫn đưa các con, sẽ nhớ đến các con.

Một sự vi phạm lề luật sẽ không tránh né được: Sự dữ đã được thực hiện. Khi chiếc bình đã vỡ, nó còn mãi như vậy. Theo mức độ lượng giá này, sự dữ thật bi thảm.

Nhưng một liên hệ tình yêu có thể tái lập được và sự tha thứ được ứng nhận, như bước tiến về hòa giải, có thể trở thành nguồn tình yêu lớn lao hơn (Lc 7,35-50).

Như lòng các con đã làm các con lạc đàn xa Thiên Chúa, thì khi ăn năn trở lại, các con sẽ tìm kiếm Người gấp mười lần.

Đó là một kỳ quan. Thực sự, người ta có thể dựa vào ý thức về tội lỗi để yêu mến gấp mười điều Thiên Chúa đã tha cho chúng ta.

Vì Đấng đã giáng họa trên các con chính Người sẽ đem lại cho các con sự vui mừng vĩnh cửu cùng với ơn cứu độ.

Niềm vui vĩnh cửu!

Ý định của Thiên Chúa là thế đó. Về nỗi bất hạnh xảy đến vì tội lỗi chúng ta, thực sự, có thể trở thành một lợi khí làm cho chúng ta ao ước hạnh phúc mà Thiên Chúa muốn cho chúng ta, và còn hơn cả chúng ta ao ước.

BÀI TIN MỪNG: Lc 10,17-24

Bảy mươi hai môn đệ trở về, lòng hớn hở…

Sự chúc dữ cho các thành thù nghịch không thể làm ta quên được sắc thái khác : Đó là các vị thừa sai đầu tiên chắc đã gặp thất bại, và đôi khi các ông phải giũ bụi chân... nhưng cũng có những thành công : các ông đã được người ta lắng nghe, công việc tông đồ của các ông đã có kết quả. Và các ông hết sức vui mừng !

Các ông nói: 'Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con".

Các môn đệ chỉ ghi giữ điều đó: các quyền lực của sự dữ cũng phải lùi xa. Các ông kể lại sự kiện trên cho Đức Giêsu. Tôi có “kể” cho Người những công việc tông đồ của tôi không?

Đức Giêsu bảo các ông: 'Thầy đã thấy Satan từ trời sa xuống như chớp...".

Trong khi các môn đệ hoạt động nơi các thành phố và làng mạc, thì Đức Giêsu cầu nguyện và "thấy"... loài vô hình Người chiêm ngưỡng sự thắng lợi thiêng liêng của các ông.

Tôi có tin chắc, Đức Giêsu ‘thấy" điều tôi đang nỗ lực làm không ? Đồng thời Người cùng hoạt động với tôi không?

Đấy, Thầy đã ban cho anh em quyền năng... đập tan mọi thế lực kẻ thù, và chẳng có gì làm hại được anh em.

Tôi lắng nghe câu nói đó. Tôi tự lặp lại lời đó.

Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì ma quỷ phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em được ghi trên trời.

Đức Giêsu mang lại cho niềm vui của các bạn hữu. Người một sắc thái : không phải những “phương tiện" đáng kể nhất, nhưng là "mục đích”... không phải cuộc giao chiến chống lại sự dữ làm cho các ông vui vẻ nhất, nhưng là được tham dự vào Nước Thiên Chúa

“Tên anh em đước ghi trên trời ": Đó là hình ảnh Kinh Thánh quen dùng ngôn ngữ biểu tượng cụ thể, để nói lên đó là những con người được tuyển chọn, được cứu độ (Kh 3,5 13,8. 17,18. 20,12. 21,27 ; Đn 12,1).

Ngay giờ ấy, Đức Giêsu đầy hoan lạc trong Thánh Thần…

Tôi thử chiêm ngưỡng sự hoan lạc này lâu hơn: đó là niềm vui được diễn tả, hạnh phúc được bày tỏ trên thân xác… và ngay sau đó sẽ nở tươi thành lời cầu nguyện.

Được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “ Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì điều Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha lại mạc khải cho những người bé mọn.

Một lần nữa, lại nổi lên âm vang vọng của mối phúc đầu tiên : "Phúc cho những kẻ khó nghèo!". Niềm vui của Đức Giêsu biến thành "tác động tạ ơn” Chúa Cha. Nỗi hân hoan của Người trở nên "nghi lễ tạ ơn". Công việc truyền giáo của các bạn hữu Người, cũng chính là sự tham dự vào công trình của Chúa Cha.

Đức Giêsu hân hoan về điều gì? Về điều mà những kẻ đơn sơ "bé mọn", những người nghèo hiểu được các mầu nhiệm Thiên Chúa, trong khi các tiến sĩ Luật, các người thông giỏi của thời đại, những kẻ có uy tín... lại không nhận được mạc khải này.

Giáo hội sơ khai luôn có kinh nghiệm về sự ưu ái nhiệm mầu này của Thiên Chúa. Con đọc lại toàn bản văn (1 Cr 1,26-31).

Tôi có giở trò thông thái trước Thiên Chúa không ? Tôi có tự coi anh như người thông hiểu về những việc của Thiên Chúa không? Hay tôi trở nên bé mọn, để đón nhận sự "mạc khải” của Chúa Cha ?

Vâng, lạy Cha, vì đó là sở thích của Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho... Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy.

Thực thế, những người lớn của thế gian này sẽ không gặp may, nếu họ có thái độ khép kín trước nhận thực tại vô hình diệu kỳ mà khoa học không thể nhận biết được. Trái lại, thật là hạnh phúc cho những kẻ chấp nhận để mình tiến vào mầu nhiệm của các tương quan yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con... đó là những tương quan vô cùng hoàn hảo, biểu tượng và là mô hình cho tất cả các mối tình riêng tư của ta.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Bảy mươi hai môn đệ đi truyền giáo trở về.

HOÀN CẢNH:

Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi thực tập truyền giáo Lc 10,1-12;nay các ông trở về.

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng này, thánh Lu-ca ghi lại việc bảy mươi hai môn đệ đi truyền giáo trở về, tường trình công việc truyền giáo của mình, đồng thời trong bầu khí vui mừng vì sự thành công của các anh, Đức Giêsu đã ca tụng Thiên Chúa Cha mạc khải cho những kẻ bé mọn những mầu nhiệm Nước Trời.

TÌM HIỂU:

17 ”Nhóm bảy mươi hai trở về...”:

Các Môn đệ trở về thuật lại cho Đức Giêsu công việc truyền giáo của mình.Các ông tỏ ra vui mừng hớn hở vì không những có nhiều người đón nhận Tin Mừng,mà cả ma quỷ cũng phải tuân phục các ông.

18 ”Đức Giêsu bảo các ông...”:

Đức Giêsu giải thích sự thành công của các môn đệ là qua các lần trừ quỷ,đã chiến thắng Satan mà xưa nay vốn thống trị con người.

19 ”Thầy ban cho anh em quyền năng...”:

- ”Rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực...”:có ý nói đến sự dữ do ma quỷ đang hoành hành trên thế giới, nay Đức Giêsu thông ban cho các môn đệ quyền trừ quỷ,tức là quyền mà Đức Giêsu đến giải thoát con người khỏi chế độ nô lệ ma quỷ, và cho con người được sống tự do làm con cái Thiên Chúa.

20 ”Tuy nhiên anh em chớ mừng...”:

Đức Giêsu thêm rằng: sự vui mừng của các môn đệ không phải chỉ ở chỗ chiến thắng ma quỷ, nhưng còn đi xa hơn là làm cho con người được tham dự vào Nước Trời, mà ở đây được trình bày theo kiểu Do Thái, là được đăng ký vào sổ các công dân Nước Trời.

21 “Ngay giờ ấy...”:

Chính Đức Giêsu cũng lấy làm sung sướng nhìn thấy ý định của Chúa Cha được thực hiện cách kỳ diệu : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha...”

- ”Vì đã giấu các điều ấy...”:các mầu nhiệm Nước Trời mà Đức Giêsu đã rao giảng.

- ”Giấu kín không cho các bậc khôn ngoan...”: Chúa có ý nói đến các đầu mục dân Do Thái, không đón nhận Tin Mừng Chúa rao giảng.

- ”Nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn...”:Thiên Chúa đã mạc khải cho những người bé mọn, vô học như các tông đồ và các môn đệ, vì đó là ý Chúa Cha muốn như vậy. Ở đây Luca nhắc lại câu chuyện trong sách Đanien 2,18-23 :các nhà thông thái không biết giải thích cơn mộng của vua Na-bu-cô-đô-nô-xo, nhưng cậu thanh niên Đanien, thì được mạc khải bí nhiệm của giấc mộng, vì cậu đã cầu nguyện với Thiên Chúa, rồi cậu cũng cảm tạ,ngợi khen Người đã cho cậu khôn ngoan và sức mạnh.

23-24 ”...Phúc thay mắt nào được thấy...”:

Câu này cho biết ân phúc lớn lao dành cho những ai được mạc khải về tương quan Chúa Cha và Chúa Con. An phúc này nhiều ngôn sứ và vua chúa thời Cựu Ước muốn mà không được.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Sau khi sai 12 Tông Đồ (Lc 10,1-12). Chúa Giêsu còn sai thêm 72 môn đệ đi thực tập truyền giáo. Điều này chứng tỏ sứ mạng truyền giáo không dành riêng cho hàng giáo sĩ, nhưng cho hết mọi người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội nhất là bí tích thêm sức. Mọi thành phần dân Chúa đều được sai đi truyền giáo theo bậc sống, hoàn cảnh, khả năng của mình.

2. Sau khi thi hành trách nhiệm Chúa giao “ nhóm 72 trở về “, bảy mươi hai môn đệ trở về tường trình cho Chúa công tác của mình. Sau khi làm bất cứ công tác nào, nhất là những công tác tông đồ, chúng ta có thói quen đến tường trình cho Chúa qua tâm tình cầu nguyện không?

3. “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”: Sau những thành công, nhất là thành công trong việc tông đồ, chúng ta vui mừng vì lý do siêu nhiên hơn lý do tự nhiên; vì phần thưởng đời sau, hơn phần thưởng đời này, vì giá trị tinh thần và tâm linh hơn giá trị hình thức số lượng bên ngoài, và vì đẹp lòng Chúa hơn đẹp lòng người ta.

4. “Được Thánh Thần tác động Đức Giêsu hớn hở vui mừng” Niềm vui và lời cầu nguyện của Đức Giêsu do tác động của Chúa Thánh Thần (1,35;4,1.14.18). Niềm vui đích thực của con cái Chúa, không phải dựa trên tác động bên ngoài do tạo vật, nhưng là do tác động bên trong của Chúa Thánh Thần: Niềm vui này giúp chúng ta an tâm, thanh thoát và hạnh phúc.

5. “Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này”. Những mầu nhiệm Nước Trời, những chân lý về đức tin, những giáo huấn và những ý định của Chúa.. không phải chỉ

những người tài giỏi, học cao thấy rộng mới biết được. Bằng chứng trên thế giới này, có nhiều người tài giỏi nhưng chưa biết Chúa hoặc biết Chúa rồi, nhưng chưa sống theo Chúa, hoặc sống theo Chúa rồi nhưng chưa trọn vẹn cho Chúa!

6. “Nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn”:

Nếu biết sống nhỏ bé, yếu đuối, lệ thuộc theo thân phận con người trước mặt Thiên Chúa, con người sẽ đạt đến “sự thật” về chính mình. Với con người ấy, họ sẽ không che phủ mình bằng những tấm màn là các công trạng của mình, họ hoàn toàn trong suốt trước mặt Thiên Chúa, nên họ có thể đón nhận được những mầu nhiệm cao siêu mà Thiên Chúa muốn mặc khải cho loài người. Đồng thời cũng vì họ không cứng ngắc với những định kiến, những thái độ tự phụ tự mãn, Thiên Chúa có thể dùng họ thực hiện các kỳ công, nhằm chuyển thông ơn cứu độ đến cho loài người.

7. Nếu chúng ta là những kẻ bé mọn: về tri thức, tài năng, địa vị, danh vọng, vật chất... chúng ta đừng thất vọng vì: “những gì mà thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh... hẳn không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1Cr 1,27-29)

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.